Trần thị Ly Băng (6/13)

lybang2

Tường Vi (TV): Một trong những sinh hoạt nổi bật của Ly Băng (LB) là lập ra hội từ thiện “Messengers of Love” (MoL), website là http://www.messengersoflove.com. Ly Băng có thể cho biết lý do nào khiến LB quyết định thành lập MoL không ?

Ly Băng (LB): Vào dịp Noel 2002, trong lúc LB đang dự Thánh lễ, đã được chứng kiến cảnh một em bé người Tàu mồ côi đứng cạnh một người đàn bà da trắng, và đã được bà mẹ da trắng ẵm bồng, yêu thương và ấp ủ. Trước khi đó LB đã cầu nguyện Chúa cho LB thấy được ý nghĩa thật sự của ngày Noel trong vòng mấy ngày. Khi chứng kiến cảnh em bé được bà mẹ nuôi thương yêu ấp ủ, lúc đó LB đã bị đánh động sâu xa.  LB cảm thấy vui cho em bé đó, nhưng cùng lúc thì trái tim LB đã thắt lại và LB đã khóc khi nghĩ tới các em bé bất hạnh không cha mẹ đang ở trong những trại mồ côi và không được may mắn như em bé gái đã gặp. Những em bénày không được ai nghĩ tới, không được ai ấp ủ, không được ai cho một nụ hôn, hoặc tặng một món quà vào những dịp lễ cho trẻ em để em được niềm vui tuổi thơ. Các em đó sẽ lớn lên trong niềm tủi thân và sẽ có thể rơi vào con đường sai lạc vì đã không cảm nhận được tình thương.  Và trong thánh lễ đó, LB đã khóc sướt mướt khi nghĩ tới những hình ảnh nàỵ  Và lúc đó LB đã cảm thấy được ý nghĩa của ngày lễ Giáng Sinh là tình yêu, tình yêu Thiên Chúa cho ta và từ đó, mình đáp trả bằng cách mang tình yêu của mình cho người khác. Và LB đã cảm thấy rằng những người mà LB cần phải mang tình yêu tới là các em mồ côi. Tình cảm của LB cho các em mồ côi thiếu may mắn, được khơi dậy trong thánh lễ Noel 2002, đã trở nên một ơn gọi, một món quà của Thiên Chúa trao tặng, và đó đã là động lực thúc đẩy cho LB bắt đầu làm công việc mà LB đang làm. LB bắt đầu bằng cách liên lạc với các soeurs ở VN để kiếm những bé mồ côi để bảo trợ, rồi từ đó, LB tiếp tục kêu gọi bạn bè gia đình nhận thêm những em khác để bảo trợ, rồi từ từ, hội đã được thành lập. Những năm đầu thì LB làm việc trong phạm vi bạn bè, gia đình và bỏ tiền túi, công sức của chính mình ra làm. Nhưng rồi càng ngày LB thấy nhu cầu càng nhiều, và nguyện vọng của LB là làm sao giúp được càng nhiều em, càng nhiều người bất hạnh. Rồi có những lúc LB gặp những trường hợp cần được giúp đỡ, nhưng LB thiếu năng lực và tài chánh, nên không thể làm được, rất là áy náy. Lúc đó LB biết là nếu LB bành trướng những công việc của LB để có nhiều bàn tay của những người khác giúp đỡ, thì những dự án đó sẽ làm được, và vì vậy mà LB mới sáng lập ra hội Messengers of Love.  

TV: Vừa đi làm vừa điều  hành một hội thiện nguyện vô cùng bận rộn, LB dành nhiều thời gian cho bên nào hơn ?

LB: If there is a will, there is a way.  Muốn là được. Nếu những người khác có thể làm 2, 3 jobs để nuôi gia đình thì LB cũng có thể làm 2, 3 jobs, công việc hãng, công việc nhà và công việc Hội.  Nhưng công nhận là có những lúc LB rất là mệt mỏi, vì mất nhiều công sức, thức đêm thức khuya, nhưng chưa bao giờ LB lại nghĩ là LB muốn bỏ cuộc. Điều an ủi lớn nhất là khi LB thấy các việc làm của LB và các bạn cùng các anh chị em trong hội đã mang lại cho các em và những người bất hạnh có được nụ cười, cho họ cơ hội cảm nghiệm được tình yêu, gián tiếp thay đổi cuộc đời của họ cho tươi sáng hơn là LB cảm thấy hạnh phúc. Niềm vui sâu xa này được cảm thấy khi mình giúp đỡ và mang niềm vui tới cho người khác. Niềm vui này không mua được từ tiền bạc, hoặc cũng không tới được từ những cuộc vui chơi với bạn bè, hoặc khi được du lịch nước này nước nọ, nhưng chỉ được cảm nghiệm khi mình sống cho người khác. LB thấy cuộc đời của LB có ý nghĩa hơn, LB thấy thời gian của LB không còn lãng phí, và nhất là LB đã làm vui lòng được bố mẹ và vui lòng một đấng mà LB yêu thương và quí trọng nhất, đó là Thiên Chúa. Vì Chúa đã nói, nếu mà bạn không giúp đỡ những người nhỏ mọn nhất trong thế gian, thì nước trời không phải là của bạn.

LB&Orphans
Ly Băng và các cháu mồ côi ở Hố Nai

TV: Có sự giúp sức của GL 79 trong hoạt động từ thiện của LB không ?

LB: Có chứ. Các bạn Gia Long 79, ở Houston và ở những tiểu bang khác không những đã giúp đỡ về nhân lực mà còn đóng góp tài chánh nữa. Thúy, Ngọc Hương, Thanh Hà và các GL 79 khác ở Houston đã không những đóng góp trong những tiết mục văn nghệ ở buổi tiệc gây quỹ Noel, mà còn đóng góp tài chánh. Và còn những GL 79 ở xa, như là Ngọc Huyền ở D.C. đã đóng góp bằng cách giúp đỡ tài liệu, giúp đỡ gây quỹ và truyền bá MoL mission, Thu Trang ở D.C. bảo trợ các em quà Tết, Tường Vi ở San José đã đóng góp trong phần truyền bá MoL mission và có ý muốn tổ chức gây quỹ ở San José trong tương lai. Tâm Đan ở Virginia ngay từ đầu đã hàng năm gửi check bảo trợ quà Noel cho các em. Có Thùy Khanh, Cẩm Hoàng ở San José đang bảo trợ một số các em cô nhi. Có Huỳnh Tuyết Anh ở Florida đã bảo trợ một số các em mồ côi nghèo đi học. Và còn những GL 79 khác đã đóng góp một tay cùng LB. Không những GL 79 mà còn có những GL của các niên khóa khác, đã đóng góp về phần nhân lực trong những dịp gây quỹ mà còn đóng góp về tài chánh nữa. Thay mặt các mảnh đời bất hạnh, LB thành thật cám ơn các bạn và các chị đã giúp và đồng hành với LB trong công tác mang niềm vui cho các em. Một mình LB không thể nào  làm được những việc này. Khi LB thấy được những bạn bè, gia đình nhảy vào giúp đỡ, các thiện nguyện viên, các soeurs, các cha, các thầy, các ni cô, và những vị ân nhân cùng lòng cùng hướng giúp một bàn tay, từ công sức cho tới tiền bạc để công việc của hội ngày càng phát triển, có kết quả tốt đẹp, mang niềm vui và hạnh phúc tới cho nhiều em mồ côi và nhiều gia đình nghèo hơn thì LB rất là phấn khởi và quên đi những mệt mỏi.

TV: Ước mơ trong tương lai của LB là gì ?

LB: Giấc mơ của LB là một ngày nào đó, tất cả các em bé mồ côi ở Việt Nam hàng năm đều được một món quà Giáng Sinh, có quần áo mới và một bữa ăn Tết ngon, sẽ biết là có một người nào đó nghĩ tới các em và sẽ không tủi thân nữa, và được có người bảo trợ để các em có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Hiện giờ có rất nhiều trẻ mồ côi ở VN, nên LB không nghĩ là giấc mơ này sẽ được hoàn thành trong một vài năm, nhưng cần một thời gian lâu dài, có thể sẽ không bao giờ đạt được, nhưng mình vẫn cứ mơ ước. LB cần phải có sự giúp đỡ của nhiều người khác thì LB hy vọng mới có thể hoàn thành được ngay cả một phần nhỏ của giấc mơ này. LB cũng mong ước là sẽ tạo nên được một cộng đồng gọi là “Community of Love”, nôm na là “Cộng đồng Tình Yêu”, một cộng đồng ngày càng phát triển mà những người trong đó là những người có chung ý hướng là mang tình yêu và hạnh phúc tới cho ngay chính anh chị em chung quanh mình và cho những mảnh đời bất hạnh ở những nơi xa xôi, nhất là nơi quê nhà là quê hương VN của chúng ta bằng những cử chỉ yêu thương và những món quà gói ghém đầy tình người, được mang tới tận tay các em từ những bàn tay nối dài của các cha, các soeurs, các thiện nguyện viên ở VN hàng năm, cho tới lúc nào đất nước VN chúng ta không còn các trẻ em bị bỏ rơi hoặc bị mồ côi nữa.

Phan thị Mỹ (6/12-10C6/12C8)

PTMy

TV: Mỹ ơi, Vi nhìn Mỹ rất quen, đến nỗi Vi lầm tưởng là hai đứa mình học chung lớp. Thậm chí Vi còn ghi tên Mỹ vào danh sách lớp 6/2. Đến khi biết ra Mỹ học bên khối Pháp Văn, Vi ngạc nhiên vô cùng, không ngờ mình lại có thể nhớ sai quá như vậy. Bên Pháp Văn thật tình Vi không quen biết nhiều vì ở xa lớp Vi, vậy thì sao Vi lại nhớ hình dáng của Mỹ rất rõ. Mỹ có thể nghĩ ra một lý do gì hồi xưa khiến hai đứa mình “nhìn thấy” nhau không? Mà phải rất thường xuyên nữa đó. Và hồi xưa Mỹ học lớp nào bên Pháp Văn?

Mỹ: Để trả lời các câu hỏi của Vi, Mỹ xin giới thiệu về mình một chút:
– Tên: Phan Thị Mỹ  học sinh lớp 6/12, 12C8
– Địa chỉ : 19/40/5A Bình Thới F11, Q11, Saigon, Việt Nam
– Nghề nghiệp: Lao động tiền lương làm việc tại nhà máy Nhuộm, Công ty Dệt Thắng Lợi. Đã nghỉ việc từ năm 2000, hiện nay: nội trợ
– Gia đình: có một chồng và hai con trai: một cháu 22 tuổi đã đi làm, một cháu 15 tuổi đang học lớp 9.

TV: Cuối cùng thì Vi nghĩ ra là có thể chúng ta đã đi chung xe trường. Hồi xưa Mỹ có đi xe trường số 6 không? Nhà Mỹ có phải ở đường Bà Hạt không, hay là Vi lại lầm với ai? Nếu Vi nhớ đúng rồi, Mỹ còn nhớ chuyện đi xe trường Gia Long như thế nào không, kể lại cho các bạn nghe đi.

Mỹ: Đúng như Vi nói, Vi thấy tụi mình quen nhau có lẽ do hai đứa cùng đi chung xe đưa rước của trường Gia long, nhà Mỹ lúc đó ở đường Nguyễn Lâm nhưng khi đi đón xe thì phải ra đường Bà Hạt để đón và cũng đi xe số 6. Mỹ nhớ rất rõ chỉ có trường Gia Long tụi mình là có xe đưa rước riêng, có hình hoa mai vàng bên hông xe. Mỗi sáng cứ đứng đón xe ở đường Bà Hạt, đúng giờ xe đến đón chở thẳng đến trường, trên đường tha hồ nói chuyện rất vui vẻ và khi về thì xe đậu chờ sẵn ở đường Bà Huyện Thanh Quan.

TV: Lớp 6/12 của Mỹ bây giờ tản mạn đi đâu hết rồi mà hiện nay mình chỉ có được tên 4 bạn dưới danh sách nữ sinh lớp 6/12 ? Hồi xưa ai là trưởng lớp lớp 6/12, và thầy cô bên Pháp Văn là ai vậy Mỹ ? 

Mỹ: Hiện nay Mỹ vẫn liên lạc với nhiều bạn lớp 12C8 bên VN lẫn các bạn đang ở nước ngoài. Ngoài ra Mỹ cũng liên lạc với các bạn bên các lớp Anh Văn, tham gia nhóm để vui chơi, tham quan du lịch tạo tình thân ái trong khóa Gia long 72-79 . 

Trưởng lớp 6/12 : Trương Thị Kim Định.
Giáo viên chủ nhiệm : Cô Dãn Bạch Tuyết dạy Sử địa.
Cuối năm 6/12 Mỹ được xếp thứ hạng 10/55 với lời cô phê cuối năm: “Học khá lắm, chăm đều, hãy tiếp tục”. Mỹ còn giữ tất cả học bạ từ lớp 6 đến lớp 12.

Giáo viên chủ nhiệm các lớp như sau:
– Lớp 10C6 : Cô Nguyễn thị Thu Vân dạy Toán
– Lớp 10B8 : Cô Trần thị Lệ Dung dạy Toán
– Lớp 12C8 : Cô Vũ Kim Dung dạy Toán 

TV: Ở Saigon, Mỹ có thường hay ghé trường Gia Long và gặp lại thầy cô cũ không? Cảm tưởng của Mỹ khi ghé thăm trường xưa như thế nào ?

Mỹ: Mỗi lần đi ngang qua trường , Mỹ thường chỉ cho ông xã và các con lớp Mỹ học vì lớp 9/12 Mỹ học nằm ở dãy đường Điện Biên Phủ và khi đó những kỷ niệm thường hay tràn về làm Mỹ rất nhớ các bạn. Mỹ vẫn còn giữ nguyên vẹn cuốn lưu bút, thỉnh thoảng cũng đem ra đọc.

Nói chung khi viết lại những kỷ niệm này, Mỹ muốn trải tình cảm mình qua đoạn thơ nho nhỏ hồi viết lưu bút :

 Đoản khúc cho trường cũ

Mai ta xa trường, trường buồn không hở
Mai ta xa trường, ta nhớ ta thương
Cám ơn trường ngày tháng nào che chở
Cho ta rộn ràng giấy mực vấn vương

Bùi thị Hoài Nhân (6/11)

hoainhan

Tường Vi (TV): Xin Hoài Nhân giới thiệu về mình sau bao nhiêu năm im hơi lặng tiếng.

Hoài Nhân (HN):  Hồi xưa Nhân học Gia Long lớp 6/11, vừa thi xong cấp 2, lên lớp 10 thì Nhân và Hoài Hương chuyển qua CVA học. Còn Hoài Hương học lớp 6/3 GL. Đó là năm 1972. Hiện Nhân ở Canada, tại Montreal city thuộc tỉnh bang Québec, làm nghề Nail. Còn Hoài Hương ở Australia, tại Sydney, phụ với ông xã  bán thuốc tây (pharmacie).

TV: Đến lớp 10 thì cả hai chị em Hoài Nhân và Hoài Hương chuyển qua Chu Văn An. Năm lớp 11 khi chuyển qua CVA, Vi được gặp lại một vài bạn Gia Long cũng chuyển qua đó như Hoài Hương, Hoài Nhân, Tuyết Nga. Nhân thấy học trường con trai khác với học trường con gái thế nào ? Nhân có hối hận khi chuyển qua trường con trai không ?

 HN:  Đến lớp 10 tụi mình chuyển sang học ở CVA vì nhà xa và không có xe đưa đón. Tuy là trường con trai nhưng sau này cũng có con gái học nữa cho nên tụi mình cũng đỡ lo. Đối với mình và Hoài Hương thì ở trường nào cũng dễ thương và đầy ắp kỷ niệm khó quên và yêu dấu. Và Gia Long luôn là số 1 của tụi mình, còn CVA tuy là trường con trai nhưng cũng rất kỷ luật, học sinh cũng giỏi và tốt lắm tuy hơi “action” một chút. Nhưng vì mình học ở lớp có rất nhiều học sinh giỏi, gương mẫu nên mình rất mến lớp. Nhưng hơi buồn vì trong lớp chỉ có một mình là con gái thôi. Lớp Hoài Hương thì có nhiều con gái hơn, vui hơn.

Xa Gia Long mình buồn lắm, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè, nhớ trường lắm. Lần nào về VN mình cũng đều ghé vào thăm trường cả.

TV: Nhân thấy Gia Long mình học chung với con trai Chu Văn An thì có thua kém gì không ?

HN:  Vì mình học ở một lớp khá gương mẫu và học giỏi đều, chỉ có mình là học khá  thôi, nên mình rất phục các bạn học cùng lớp, họ học giỏi toàn diện và  tốt nữa. Các lớp khác mình không rõ lắm. Nhìn chung  học sinh CVA  cũng dễ thương. So sánh giữa hai trường thì GL-CVA chắc cũng ngang tài, ngang sức theo khách quan. Mỗi trường có một điểm mạnh riêng.

TV: Sau trung học Vi mất tin tức của Nhân, Nhân lúc đó ra sao và khi nào mới qua Canada? Cuộc sống mới ở Canada của Nhân ra sao? Nhân có liên lạc với các bạn Gia Long không?

 HN: Chúng mình mất tin tức nhau đã rất lâu, có lẽ vì cuộc sống gia đình, xã hội có nhiều thay đổi lớn sau 1975, nhà thì bị nhà nước cải tạo lấy đi, sau đó lại đổi tiền, dân tình nghèo đi, rồi lại tìm đường vượt biên, Nhân thì không muốn đi cho nên Hương phải đi trước vào năm 1986, còn Nhân thì mới qua Canada cuối năm 2001 với một đứa con gái 12 tuổi. Lúc đầu thật khó khăn để hòa nhập cuộc sống, bây giờ ổn rồi. Sau nay Nhân có gặp lại một người bạn thân học GL ngày xưa cùng gia đình họ (mấy chị em cùng học GL cả).

hoainhan2
Hoài Nhân và con gái

TV: Ý hướng trong tương lai của Nhân là gì, Nhân có thể chia xẻ với các bạn?

HN: Nhân theo đạo Tin Lành đã hơn 20 năm, đi nhà thờ chủ nhật hàng tuần, rất yêu mến Chúa Jesus, con gái mình cũng vậy. Bây giờ mình luôn đầu tư vào học hành cho con, nên mình làm việc rất nhiều , ít đi chơi đây đó cũng như shopping dù rất thích. Mình nghĩ sẽ làm việc thêm mười năm nữa rồi nghỉ ngơi, làm ít thôi, sẽ đi du lịch đây đó và làm công việc cho nhà thờ.

Nguyễn thị Mỹ Dung (6/10 – 10C3)

MyDung

Vi được quen Dung qua mailing list Gia Long 72-79. Dù trước đây chưa quen nhưng qua những lần nói chuyện phone, qua email, Vi thấy Dung rất nhiệt tình cùng các bạn. Hiện Mỹ Dung đang cư ngụ tại Calgary, Canada.

Tường Vi ( TV): Hồi xưa Dung học 6/10, lớp cuối cùng của nhóm Anh Văn, Vi thật tình không nhớ lớp 6/10 nằm ở đâụ Dung có thể nhắc lại cho các bạn nhớ về vị trí của lớp 6/10 không ?

Mỹ Dung (MD): Lớp 6/10 của Dung là lớp ở trên lầu dãy nhìn ra Chùa Xá Lợi, lớp ngay góc cầu thang đi lên giữa đường Bà Huyện Thanh Quan và Phan Thanh Giản(đường vô cổng chính của trường. Dung nghĩ vị trí này chính xác vì Dung đã phải mail cho Tằm và Bạch Yến hỏi và cả hai đều trả lời giống nhau, mấy nhỏ này thiệt trí nhớ quá siêu.

lop cap 2

TV: Qua đây Dung có liên lạc lại được với các bạn 6/10 nào không, vì danh sách lớp 6/10 chúng ta có được rất là ít ỏi .

MD: Qua đây Dung không có liên lạc được với ai học chung 6/10 hết.Chỉ có sau khi biết đươc web này của Vi từ hồi năm ngoái khi có người dạy cho Dung học computer, rồi nhờ mấy bạn post hình lên Dung mới nhận ra Bạch Yến, rồi cũng từ Bạch Yến Dung mới kiếm ra được Hoàng thị Lý, Ngọc Trang,Cẩm Hồng mà Dung chơi chung cho đến 12.Rồi qua web này Dung làm quen đươc Yến Hương và nhờ Yến Hương đã kiếm ra cho Dung nhỏ Vũ thị Thủy ở Houston bạn cũng rất thân của Dung học 6/10 luôn.

TV: Hồi xưa một lớp GL có khoảng 60 học sinh, quen hết cả lớp còn khó, vậy mà Dung lại có kỷ niệm chơi với các bạn ở khác lớp lập thành một nhóm. Dịp nào đã khiến Dung quen được bạn khác lớp ?

MD: Dung tới bây giờ đã quá lâu, Dung chỉ có thể nhớ các bạn học chung ở cấp 3 còn hồi học lớp 6 đã quên nhiều rồi. Dung quen thêm các bạn khác lớp nếu hồi lớp 6 thì chỉ quen thêm các bạn lớp kế bên như 6/9. Lên cấp 3 do chia ban học chung một lớp từ đó Dung mới quen thêm các bạn khác lớp. Huỳnh  Loan lên cấp 3 cũng khác lớp là do Dung học chung và chơi chung với Thanh Hằng, mà Thanh Hằng chơi bóng bàn chung với Huỳnh  Loan, Dung cũng theo Thanh Hằng đi chơi chung nên mới quen và lập nhóm nữa đó.

Nhóm của Dung: Chị Cả Cẩm Hồng, “anh” Hai là Thanh Hằng, “anh” Ba là Huỳnh Loan, “anh” Tư là Vũ thị Thủy, “anh” năm là Phạm thị Minh Tâm, Út là Dung, tuy lớn tuổi mà được làm em Út.

TV: Quen nhiều bạn như vậy, Dung có hay làm quen và ái mộ các chị lớp lớn không?

MD: Dung không có ái mộ chị nào lớp lớn cả, hồi Dung vô lớp 6 thì chị Hai Dung học lớp 12, giờ ra chơi có khi chạy lên lớp chị Hai chơi rồi quen và biết luôn bạn của chị Hai Dung thôi, chị Hai Dung học 12B3 mà cô Lệ Dung là cô giáo chủ nhiệm. Nếu nói ái mộ có thể có nhưng chưa bao giờ được gặp và nói chuyện đó là chị Phương Thư chị của Phương Thảo, do mỗi lần trường mình tổ chức lễ Hai Bà Trưng của cả thành phố mình GL luôn được chọn, và chị Phương Thư là người Dung thích vì vừa đẹp có nét phúc hậu lại vừa có nét uy dũng.

Lê thị Tằm (6/9 – 10C3)

LTTam3

Cái tên Tằm thật đặc biệt vì ít người mang tên đó. Toàn tên lại thật đơn giản, không cần hoa mỹ thêm chữ lót chữ đệm, có lẽ cũng thể hiện nét đơn giản mộc mạc chân thành như tính tình con người của Tằm. Hiện nay Tằm đang sống ở Saigon, Việt Nam và cùng ông xã “tát biển đông” mở xưởng thêu vi tính, một ngành mới du nhập vào Việt Nam thập niên 1990.

TV: Tằm là người đã làm lại phù hiệu Gia Long gửi cho các bạn, cám ơn Tằm với tấm lòng này. Tằm nghĩ gì mà quyết định làm lại phù hiệu Gia Long?

Tằm:
Ta sẽ về thêu lại cái tên xưa !
Nhớ giữ dùm ta ”một cái”… không thừa
Gia Long hai chữ thêu màu đo
Trường Nữ Trung Học Sàigòn giữ nét xanh
 
TV: Việc tái tạo phù hiệu có khó khăn lắm không? Mỗi lần làm như vậy mất thời gian là bao lâu và làm được bao nhiêu cái ?

Tằm: Khó khăn ư ? đã qua rồi cái thời những đêm dài không ngủ để sở hữu chiếc máy thêu đa đầu, tìm vui trong công việc! Vạn sự khởi đâu nan. Ngày nay thêu rất dễ dàng chi cần một thời gian ngắn thực tập. Tằm cho thêu phù  hiệu Gia Long để tạo việc thêm cho Ngọc Mai khiếm thính học nghề nên không tốn thời gian và cái giá của nó là tình cảm. Tái tạo phù hiệu là việc của ”nhà tôi” thao tác computer, scan, thiết kế mũi thêu, save vào bộ nhớ của máy. Tiếp đến là các em công nhân thêu, giúp căng vải vào bàn thêu theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, sắp chỉ vào cho 18 đầu gồm 3 màu, rồi chỉ một cái lắc tay nhẹ vào tay cầm phía dưới, máy cứ vậy mà thêu liên tục cho hết khung vải. Học trò Mai sẽ canh máy. Khi nào đứt chỉ, Mai tuy không nghe nhưng thấy ngay thiếu màu chỉ nào để sửa lại cho máy tiếp tục hoạt động.

12c3-all2

Tằm (áo xanh) và các bạn 12C3 tại Việt Nam

TV: Trước đây Tằm từng làm trưởng lớp 10C3. Việc làm trưởng lớp này có chút ảnh hưởng nào khi Tằm lớn lên vào đời không ?

Tằm: Có nhiều lắm, vì làm trưởng lớp hơn ai hết là học trò gần với thầy cô nhất, coi thầy cô là thần tượng, nên sau khi ra trường là Tằm chọn nghề “gõ đầu trẻ. Sau gần một thập niên trả món nợ học đường, dành dụm được một cái bằng khen “Giáo Viên dạy giỏi cấp quận”, Tằm tiếp tục nhả tơ (lập tiệm may áo dài ) để trả nợ dâu ! Còn bây giờ làm quản đốc phân xưởng thêu thì cũng như làm trưởng lớp vậy, cuối tháng cũng phải kết sổ chấm công, viết nhật ký xưởng như ngày xưa nghe thầy Minh viết nhật ký lớp, coi lớp học là gia đình, xưởng làm việc là mái ấm. May mắn là mình có cơ hội để giúp một vài người kém may mắn hơn (tạo công việc cho trẻ khuyết tật).

TV: Vi biết Tằm dành cho các bạn Gia Long một lòng yêu mến rất lớn. Tằm có nhắn nhủ gì với các bạn Gia Long 72-79 không ?

Tằm: Cám ơn Vi đã hiểu Tằm như thế. Gia Long là mái ấm thời trẻ dại trong đó có cô, có thầy, có bạn, Tằm được hưởng thụ rất lớn về kiến thức cũng như giáo dưỡng về tinh thần khi tạm biệt Huế trong loạn lạc ! Học thầy không tày học bạn. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư!

Tằm còn trăn trở khi chưa tìm ra thêm “trẻ lạc“ Gia Long, mong một ngày các bạn ấy đọc được “Gia long 72-79 Ngày Ấy, Hôm Nay” và mừng rỡ mà tìm về mái ấm ngày xưa. Cám ơn các bạn đã bỏ thời gian quý báu để khai sinh ra tập kỷ yếu này.