Nguyễn thị Mỹ Dung (6/10 – 10C3)

MyDung

Vi được quen Dung qua mailing list Gia Long 72-79. Dù trước đây chưa quen nhưng qua những lần nói chuyện phone, qua email, Vi thấy Dung rất nhiệt tình cùng các bạn. Hiện Mỹ Dung đang cư ngụ tại Calgary, Canada.

Tường Vi ( TV): Hồi xưa Dung học 6/10, lớp cuối cùng của nhóm Anh Văn, Vi thật tình không nhớ lớp 6/10 nằm ở đâụ Dung có thể nhắc lại cho các bạn nhớ về vị trí của lớp 6/10 không ?

Mỹ Dung (MD): Lớp 6/10 của Dung là lớp ở trên lầu dãy nhìn ra Chùa Xá Lợi, lớp ngay góc cầu thang đi lên giữa đường Bà Huyện Thanh Quan và Phan Thanh Giản(đường vô cổng chính của trường. Dung nghĩ vị trí này chính xác vì Dung đã phải mail cho Tằm và Bạch Yến hỏi và cả hai đều trả lời giống nhau, mấy nhỏ này thiệt trí nhớ quá siêu.

lop cap 2

TV: Qua đây Dung có liên lạc lại được với các bạn 6/10 nào không, vì danh sách lớp 6/10 chúng ta có được rất là ít ỏi .

MD: Qua đây Dung không có liên lạc được với ai học chung 6/10 hết.Chỉ có sau khi biết đươc web này của Vi từ hồi năm ngoái khi có người dạy cho Dung học computer, rồi nhờ mấy bạn post hình lên Dung mới nhận ra Bạch Yến, rồi cũng từ Bạch Yến Dung mới kiếm ra được Hoàng thị Lý, Ngọc Trang,Cẩm Hồng mà Dung chơi chung cho đến 12.Rồi qua web này Dung làm quen đươc Yến Hương và nhờ Yến Hương đã kiếm ra cho Dung nhỏ Vũ thị Thủy ở Houston bạn cũng rất thân của Dung học 6/10 luôn.

TV: Hồi xưa một lớp GL có khoảng 60 học sinh, quen hết cả lớp còn khó, vậy mà Dung lại có kỷ niệm chơi với các bạn ở khác lớp lập thành một nhóm. Dịp nào đã khiến Dung quen được bạn khác lớp ?

MD: Dung tới bây giờ đã quá lâu, Dung chỉ có thể nhớ các bạn học chung ở cấp 3 còn hồi học lớp 6 đã quên nhiều rồi. Dung quen thêm các bạn khác lớp nếu hồi lớp 6 thì chỉ quen thêm các bạn lớp kế bên như 6/9. Lên cấp 3 do chia ban học chung một lớp từ đó Dung mới quen thêm các bạn khác lớp. Huỳnh  Loan lên cấp 3 cũng khác lớp là do Dung học chung và chơi chung với Thanh Hằng, mà Thanh Hằng chơi bóng bàn chung với Huỳnh  Loan, Dung cũng theo Thanh Hằng đi chơi chung nên mới quen và lập nhóm nữa đó.

Nhóm của Dung: Chị Cả Cẩm Hồng, “anh” Hai là Thanh Hằng, “anh” Ba là Huỳnh Loan, “anh” Tư là Vũ thị Thủy, “anh” năm là Phạm thị Minh Tâm, Út là Dung, tuy lớn tuổi mà được làm em Út.

TV: Quen nhiều bạn như vậy, Dung có hay làm quen và ái mộ các chị lớp lớn không?

MD: Dung không có ái mộ chị nào lớp lớn cả, hồi Dung vô lớp 6 thì chị Hai Dung học lớp 12, giờ ra chơi có khi chạy lên lớp chị Hai chơi rồi quen và biết luôn bạn của chị Hai Dung thôi, chị Hai Dung học 12B3 mà cô Lệ Dung là cô giáo chủ nhiệm. Nếu nói ái mộ có thể có nhưng chưa bao giờ được gặp và nói chuyện đó là chị Phương Thư chị của Phương Thảo, do mỗi lần trường mình tổ chức lễ Hai Bà Trưng của cả thành phố mình GL luôn được chọn, và chị Phương Thư là người Dung thích vì vừa đẹp có nét phúc hậu lại vừa có nét uy dũng.

Lê thị Tằm (6/9 – 10C3)

LTTam3

Cái tên Tằm thật đặc biệt vì ít người mang tên đó. Toàn tên lại thật đơn giản, không cần hoa mỹ thêm chữ lót chữ đệm, có lẽ cũng thể hiện nét đơn giản mộc mạc chân thành như tính tình con người của Tằm. Hiện nay Tằm đang sống ở Saigon, Việt Nam và cùng ông xã “tát biển đông” mở xưởng thêu vi tính, một ngành mới du nhập vào Việt Nam thập niên 1990.

TV: Tằm là người đã làm lại phù hiệu Gia Long gửi cho các bạn, cám ơn Tằm với tấm lòng này. Tằm nghĩ gì mà quyết định làm lại phù hiệu Gia Long?

Tằm:
Ta sẽ về thêu lại cái tên xưa !
Nhớ giữ dùm ta ”một cái”… không thừa
Gia Long hai chữ thêu màu đo
Trường Nữ Trung Học Sàigòn giữ nét xanh
 
TV: Việc tái tạo phù hiệu có khó khăn lắm không? Mỗi lần làm như vậy mất thời gian là bao lâu và làm được bao nhiêu cái ?

Tằm: Khó khăn ư ? đã qua rồi cái thời những đêm dài không ngủ để sở hữu chiếc máy thêu đa đầu, tìm vui trong công việc! Vạn sự khởi đâu nan. Ngày nay thêu rất dễ dàng chi cần một thời gian ngắn thực tập. Tằm cho thêu phù  hiệu Gia Long để tạo việc thêm cho Ngọc Mai khiếm thính học nghề nên không tốn thời gian và cái giá của nó là tình cảm. Tái tạo phù hiệu là việc của ”nhà tôi” thao tác computer, scan, thiết kế mũi thêu, save vào bộ nhớ của máy. Tiếp đến là các em công nhân thêu, giúp căng vải vào bàn thêu theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, sắp chỉ vào cho 18 đầu gồm 3 màu, rồi chỉ một cái lắc tay nhẹ vào tay cầm phía dưới, máy cứ vậy mà thêu liên tục cho hết khung vải. Học trò Mai sẽ canh máy. Khi nào đứt chỉ, Mai tuy không nghe nhưng thấy ngay thiếu màu chỉ nào để sửa lại cho máy tiếp tục hoạt động.

12c3-all2

Tằm (áo xanh) và các bạn 12C3 tại Việt Nam

TV: Trước đây Tằm từng làm trưởng lớp 10C3. Việc làm trưởng lớp này có chút ảnh hưởng nào khi Tằm lớn lên vào đời không ?

Tằm: Có nhiều lắm, vì làm trưởng lớp hơn ai hết là học trò gần với thầy cô nhất, coi thầy cô là thần tượng, nên sau khi ra trường là Tằm chọn nghề “gõ đầu trẻ. Sau gần một thập niên trả món nợ học đường, dành dụm được một cái bằng khen “Giáo Viên dạy giỏi cấp quận”, Tằm tiếp tục nhả tơ (lập tiệm may áo dài ) để trả nợ dâu ! Còn bây giờ làm quản đốc phân xưởng thêu thì cũng như làm trưởng lớp vậy, cuối tháng cũng phải kết sổ chấm công, viết nhật ký xưởng như ngày xưa nghe thầy Minh viết nhật ký lớp, coi lớp học là gia đình, xưởng làm việc là mái ấm. May mắn là mình có cơ hội để giúp một vài người kém may mắn hơn (tạo công việc cho trẻ khuyết tật).

TV: Vi biết Tằm dành cho các bạn Gia Long một lòng yêu mến rất lớn. Tằm có nhắn nhủ gì với các bạn Gia Long 72-79 không ?

Tằm: Cám ơn Vi đã hiểu Tằm như thế. Gia Long là mái ấm thời trẻ dại trong đó có cô, có thầy, có bạn, Tằm được hưởng thụ rất lớn về kiến thức cũng như giáo dưỡng về tinh thần khi tạm biệt Huế trong loạn lạc ! Học thầy không tày học bạn. Nhất tự vi sư, bán tự vi sư!

Tằm còn trăn trở khi chưa tìm ra thêm “trẻ lạc“ Gia Long, mong một ngày các bạn ấy đọc được “Gia long 72-79 Ngày Ấy, Hôm Nay” và mừng rỡ mà tìm về mái ấm ngày xưa. Cám ơn các bạn đã bỏ thời gian quý báu để khai sinh ra tập kỷ yếu này.

Vũ Kim Hoàng (6/7 – 10C2)

kimhoang

Kim Hoàng (KH): Hoàng đang sống tại Ba Homburg là một huyện nhỏ cách thành phố Frankfurt 30Km. Chắc nói đến cách thành phố Frankfurt thì ai cũng biết vì có sân bay quốc tế và có nhiều Hội chợ (Messe). Hoàng sang Đông Đức  từ năm 1987 theo diện Hợp tác lao động. Đến năm 90 thì sang Tây Đức sống. Hoàng sang Đức để làm việc nên không được sự trợ giúp nào của Nhà nước Đức cả. Tụi Hoàng phải có việc làm mới được ở lại Đức. Do đó tụi Hoàng không được học hành gì nhiều và chỉ là công nhân bình thường thôi. Hoàng lập gia đình năm 1990 và hiện giờ sống với chồng và hai con trai một đứa 18 và một đứa 10 tuổi.

Tường Vi (TV): Hoàng hiện nay ở bên Đức, là một nơi có ngôn ngữ khá khó học, nhất là khi xưa ở Việt Nam lúc mình lớn lên, gần như không có trung tâm nào dạy tiếng Đức cả. Hoàng nghĩ bây giờ mình có thích nghi được với cách sống của người Đức chưa, và mất bao lâu mới thích nghi được như vậy ?

KH: Đời sống ở Đức thật êm đềm và lặng lẽ chứ không ồn ào, sinh động như ở Mỹ. Có thể Vi đến Đức sẽ thấy buồn chán lắm nhưng Hoàng sống quen rồi nên lại không thích ồn ào. Hiện giờ Hoàng làm cho một hãng điện tử (chỉ 4 tiếng một ngày, mỗi tuần 3 ngày) nên có nhiều thời gian lo cho gia đình. Vì ở Đức không có nhiều người Việt, lại sống rải rác, không tập trung như ở Mỹ nên tụi Hoàng sớm phải thích nghi với đời sống ở đây. À, ở đây  có một cô giáo dạy tiếng Đức ở trường Gia Long, thỉnh thoảng Hoàng có liên lạc. Đó là cô Huỳnh thị Kiều Liên, Vi có biết không? Thật ra Hoàng cũng không biết cô đâu, nhưng vì cô là cô giáo dạy chị của Hoàng nên Hoàng mới biết. Nhà Hoàng có ba người học trường Gia Long nên có nhiều cô là cô giáo của cả ba chị em.

TV: Hồi xưa ở Gia Long Hoàng làm trưởng lớp 6/7 hay 10C2 ? Xin Hoàng kể lại vài kỷ niệm làm trưởng lớp của mình.

KH: Hồi xưa ở GL Hoàng là lớp trưởng lớp 12C2 (vì là năm cuối phải bận học nhiều thi Đại học nên không ai muốn làm lớp trưởng, Hoàng phải hy sinh đó, hic hic). Với lớp 6/7 thì Hoàng không nhớ nhiều bạn. Hoàng chỉ nhớ vài bạn đã học chung với mình từ lớp 6 đến lớp 12 như Ngọc Bích ,Thanh Loan,Trần thị Nga, Bích Liên. Hoàng nhớ nhiều kỷ niệm với lớp C2 hơn. Nhất là kỷ niệm Hoàng làm lớp trưởng 12C2, bây giờ vừa gặp lại Yến Hương là nó nhắc liền. Đó là lúc đầu năm 12, ban chấp hành lớp gồm có Hoàng, Hiền, Bích Phượng, Vân Nga đã đề nghị các bạn ngồi theo sự sắp xếp của ban chấp hành. Đó là những bạn học yếu thì xếp ngồi cạnh bạn học giỏi  để dễ giúp đỡ, những bạn chơi thân với nhau thì bị tách ra không được ngồi cạnh nhau để trong giờ học đỡ nói chuyện, những nhóm ồn ào, quậy phá thì bị tách riêng ra, mỗi người một chỗ xa nhau. Thế là Hoàng bị các bạn nguyền rủa. Nhưng kết quả thì năm đó lớp 12C2 đã đậu tốt nghiệp phổ thông 100%, lớp được chọn là lớp tiên tiến toàn trường. Cũng nhờ sự dìu dắt của cô chủ nhiệm Diệp nữa. Hoàng nhớ ngày cuối cùng lớp 12, Cẩm Nhung đã nấu một nồi chè đậu thật lớn chở vô lớp ăn chung vì sắp thi nên phải ăn chè đậu thôi. Ở trên bảng thì chép bài thơ Bây Giờ Là Xuân Cuốị, thật có ý nghĩa trong thời điểm đó.

TV: Lớp của Hoàng hồi xưa có ngoan không ? Kỷ niệm nào với lớp Hoàng nhớ nhất?

KH: Hoàng còn nhớ năm lớp 11, thầy Chiêu vừa mới ra trường, đến dạy lớp Hoàng môn Lý. Lan Khánh đứng lên phát biểu gì đó, vì hồi hộp nên bị lắp bắp, làm cả lớp cười ồ lên, thầy Chiêu tưởng cả lớp trêu chọc thầy, thế là thầy đi thẳng xuống văn phòng méc cô Hiệu trưởng. Kết quả là cả lớp bị cô Tỵ mắng cho một trận và hình như có bị phạt mà Hoàng không nhớ là bị phạt gì. Vừa rồi xem hình đám giỗ Bích ở chùa Xá Lợi thấy có thầy Chiêu, nên Hoàng nhớ lại kỷ niệm đó.

TV: Năm lớp 8, có cuộc thi từng lớp về sạch sẽ, trang trí, v.v. Vi nhớ lớp 8/2 của Vi không làm gì nên bị lọt sổ, nhưng sau ngày thi, Phương Thảo lúc đó là trưởng ban khánh tiết tự nhiên mua giấy giăng ở cửa sổ rất đẹp. Tới giờ Việt Văn, cô Đỗ Nhự thấy trong lớp bỗng dưng treo hình con gà cái bông đầy tường mới nói ” Ơ các em ơi, thi xong rồi, các em còn trang hoàng mà chi ?” …. Kết quả cuộc thi như thế nào, Vi quên mất. Không biết Hoàng có nhớ cuộc thi này không ?

KH: Vi nhắc về cuộc thi lớp sạch thì Hoàng có nhớ, hình như lớp nào cũng lau chùi quét dọn dữ lắm, nên lớp nào cũng sạch. Kết quả như thế nào thì Hoàng không nhớ.

Sau khi ra trường thì Hoàng thường đi chơi với Hồng Điệp, Ngọc Anh, Bích Phượng, Hiền, và tụi Hoàng đã chơi với nhau đến bây giờ. Hoàng rất quí những người bạn này, và Hoàng nghĩ vì tụi Hoàng đã học chung với nhau từ lâu nên những gì Hoàng nói các bạn ấy đều hiểu chính xác, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, thật là thú vị. Khi ra đời quen biết nhiều người nhưng khó tìm được người bạn hiểu mình nhiều như vậy.